Trong số 54 dân tộc anh em sinh sống trong cùng lãnh thổ của đất nước Việt Nam ta thì dân tộc Thái là đồng bào có số dân nhiều đứng thứ 3 ở nước ta. Chỉ sau người Kinh và người dân tộc Tày. Với hơn 1,6 triệu người sinh sống ở các vùng khu vực miền núi phía Bắc hay ở các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa. Người Thái đã mang đến cho văn hóa dân tộc Việt nhiều màu sắc rất riêng biệt của mình. Từ lối kiến trúc nhà ở, những nét đặc trưng về trang phục, văn hóa ẩm thực, ngôn ngữ chữ viết,… Và đặc biệt nhất không thể bỏ qua đó chính là văn hóa tín ngưỡng của người Thái trong việc thờ cúng.
Nó thể hiện cực kỳ rõ nét những quan niệm, đời sống tâm linh mà đồng bào người Thái có được qua nhiều năm lịch sử tồn tại và phát triển. Bao gồm những lễ thờ cúng tổ tiên trong gia đình, thờ cúng các vị thần, nghi lễ cầu mùa màng cùng nhiều văn hóa tín ngưỡng tâm linh đặc sắc khác.
Mục Lục
Lễ Xên mường Xên bản của người Thái
Trong đời sống tín ngưỡng của người Thái ở Nghệ An luôn coi ông Trời (Pu Then) là vị thần quan trọng. Vị thần này có ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến đời sống con người và cộng đồng. Vì thế mà tục lệ cúng trời, đất, mường bản là những nét sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Vậy nên hàng năm cứ vào dịp đầu xuân người Thái tổ chức lễ “Xên Mường”, “Xên Bản”.
Người Thái cúng gọi là “Xên”. Nên lễ Xên mường, Xên bản là “Pu Then” (ông trời) của Pú mường, Pú bản (là những người đầu tiên xây dựng nên bản mường. Tương tự như thần hoàng làng của người Kinh). Lễ Xên mường Xên bản là nội dung chủ yếu là chúa đất thay con dân trong mường, trong bản bày tỏ lòng thành và cầu xin các vị thần linh trên trời dưới đất. Mong long thần thổ địa thắp hương phù hộ cho con người khỏe mạnh làm ăn thịnh vượng. Mùa màng trong năm mới được tươi tốt, mường bản yên vui.
Cách thực hiện lễ Xên mường Xên bản

Địa điểm tổ chức lễ xên mường, xên bản là chỗ có cây to nhất trong mường, trong bản. Nơi này gọi là “Đông xên”. Đây được coi là nơi hội tụ hồn bản, hồn mường. Là nơi thần linh tụ hội và trú ngụ. Khi cúng lễ, thầy mo cúng các vị thần linh trên trời trước rồi cúng tới những vị thần liên quan đến hoạt động lao động sản xuất của bà con. Như là thần sông, thần núi… Đây là những vị thần bảo hộ cho bản, mường. Họ là những đấng tối cao, vô hình luôn phù hộ bà con khoẻ mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Tiến hành lễ Xên, bà con trong mường, bản đem những sản vật mà mình đã nuôi trồng, cấy hái được tế lễ dâng lên các thần linh. Nhưng điều bắt buộc là trong mâm lễ xên mường vật cúng tế phải là con trâu; còn xên bản gồm lợn, gà và những sản vật mà đồng bào cấy hái, sản xuất được. Sau phần lễ là phần hội vui chơi múa hát. Sẽ có các hoạt động như là làm vuông, nhảy sạp, ném còn, khua luống (quánh lóng),…
Lễ Xên mường Xên bản ngày nay phần lễ đã được lược bỏ, nhưng phần nội dung được đề cao. Ngày xuân đến, nam thanh nữ tú rủ nhau đi hội. Hình thức hội đã được sân khấu hóa tạo sân chơi vui chơi lành mạnh cho người dân.
Phong tục thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là hình thức thờ cúng riêng ở từng dòng họ của dân tộc Thái. Xên đẳm ( từng dòng họ), Xên hươn (từng gia đình). Xên đẳm là lệ cúng ma họ ( Phi đẳm). Xên đẳm do những gia đình trong cùng dòng họ tổ chức vào dịp nhất định trong năm. Hiện nay chỉ còn những dòng họ lớn còn giữ được nghi thức thờ cúng tổ họ vào dịp rằm tháng 6, tháng 7 hàng năm. Phần lớn các gia đình người Thái đều tổ chức lễ ” Xên hươn” tại nhà. Xên hươn là lệ cúng ma nhà (Phi hươn), do những người chung sống trong một gia đình tổ chức .
Phi hươn theo quan điểm của người Thái là người cha đã khuất. Ma nhà được thờ ở một gian trong nhà ngay cạnh chỗ nằm của chủ nhà gọi là ” hóng”. Bàn thờ ma nhà rất đơn giản. Thường sẽ không có bài vị. Chỉ có hai bát nước chè, một chai rượu và một đĩa trầu cau. Hàng năm khi ngày tết đến người Thái quét dọn, trang trí lại bàn thờ và thay chiếu mới để làm lệ cúng ma nhà.
Trong quan niệm của đồng bào dân tộc Thái ” tổ tiên ” ở trên trời chỉ được mời về trong các dịp gia đình có việc lớn đại sự. Còn ma nhà lúc nào cũng ở bên cạnh, để chăm sóc và phù hộ cho gia đình. Vì vậy, khi có của ngon vật lạ. Người Thái đều đặt lên bàn thờ mời ma nhà thưởng thức trước. Đây là tục lệ đáng quý, tỏ sự tôn kính ông bà, tổ tiên của người dân tộc Thái.
Những phong tục tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất
Các lễ cúng mùa màng trong phong tục tín ngưỡng của người Thái

Do đặc điểm sống ở vùng thung lũng núi, hoạt động sản xuất của người Thái phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Do vậy, họ sẽ tiến hành các nghi thức thờ cúng. Nhằm mục đích cầu xin trời đất ban mưa thuận gió hòa để có những mùa màng bội thu. Người Thái thường tiến hành rất nhiều lệ cúng trong năm. Ví dụ như lễ cúng mở đầu là lễ xuống đồng (Tế tòng). Trước khi cấy làm lễ ” hạch ma”. Khi cây lúa bắt đầu làm đòng họ tổ chức lễ ” hau cẳm”.
Trước và sau khi gặt người Thái làm lễ cảm ơn “hồn lúa” và rước hồn lúa về nhà. Lễ vật cúng tế bao giờ cũng có đủ nếp, cá, trứng và rượu cần. Một trong những lễ thức quan trọng được người Thái tiến hành hàng năm là lễ cúng “phà ma” (trời về). Hay còn gọi là tục đón tiếng sấm đầu xuân. Trong tiềm thức dân gian Thái đây là tín hiệu về một thời khắc tốt đẹp cho sản xuất, gieo trồng.
Đây cũng là thời điểm hồn lúa trở mình thức dậy bao ngày đông giá lạnh. Do quan niệm đó, hàng năm khi có tiếng sấm, tất cả mọi gia đình đều làm lễ cúng riêng. Gia đình trưởng họ (ông đẳm) phải sắm lệ lớn hơn các gia đình khác. Vì rằng, ông là người thay mặt dòng họ cầu xin trời đất ban mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu. Từ đó giúp cuộc sống ở dương gian luôn được no đủ. Tục lệ ” cầu mưa” cũng rất phổ biến trong cộng đồng người Thái và diễn ra hàng năm.
Lễ cầu mưa
Lễ cầu mưa được tiến hành vào những đêm trăng sáng, khi thời tiết gây hạn kéo dài. Lễ cầu mưa chủ yếu do trai gái trong bản đứng ra tổ chức. Họ tụ tập thành từng đám đi vòng quanh bản vừa đi vừa hát bài “xun nước mưa” (xo nặm phồn). Sau đó các đám đông kéo nhau ra các mỏ nước ở đầu các bản để nô đùa và chơi trò té nước. Mô phỏng theo tích “cầu xin” đó sẽ làm cho ông trời thấu hiểu mà ban cho mưa xuống.
Các hình thức tín ngưỡng dân gian khác trong văn hóa của người Thái

Ngoài những hình thức tôn giáo kể trên, trong tâm thức xã hội Thái còn có nhiều tín ngưỡng sơ khai khác. Ví dụ như các tôn giáo mang tính chất ma thuật, tín ngưỡng về linh hồn, ma thuật về tình yêu… Ngày nay dưới ánh sáng của các nghị quyết của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa mới. Các hình thức lễ nghi tôn giáo này đã không còn thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Nhiều cái chỉ để lại dấu vết mờ nhạt và đang mất dần trên thực tế. Điển hình như tín ngưỡng về linh hồn, khài cúng để chữa bệnh. Dẫu sao thì những nét văn hóa về thờ cúng của đồng bào dân tộc Thái vẫn sẽ là tài sản vô giá. Khi chúng ta biết đánh giá đúng mức và khai thác hợp lý những giá trị tích cực. Hạn chế bớt mặt tiêu cực của tôn giáo tín ngưỡng truyền thống Thái. Và đó cũng chính là những động lực để khai thác nội lực ” văn hóa Thái” vào công cuộc xây dựng nền văn hóa thống nhất, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Đồng thời là rào cản không cho các đạo giáo khác thâm nhập vào tâm thức đồng bào dân tộc Thái.
Hẹn gặp lại bạn ở các bài viết khác trên betylee.com!